Cùng Webtaichinh dành 15 phút đọc bài Charles Ponzi là ai? Tiểu sử của “cha đẻ” mô hình lừa đảo Ponzi. Kiến thức này thuộc phần Cryptocurrency vốn rất hot kể từ cuối 2020. Đa phần Webtaichinh lấy nguồn bài từ nước ngoài và một số nguồn uy tín trong nước khác.
Vui lòng đọc bài viết này trong phòng kín để đạt hiệu quả tốt nhất
Tránh xa tất cả các thiết bị gây xao nhoãng trong việc tập trung
Bạn nên bấm Crtrl + D để lưu bài này lại vì Webtaichinh thường xuyên cập nhật
ẩn
Tiểu sử của Charles Ponzi
![]() Đáp ứng nhu cầu của độc giả về FOREX. Webtaichinh xin chia sẽ với các bạn lộ trình A-Z cho người mới khi tham gia vào thị trường này Danh sách bài viết nên đọc bao gồm: |
✅ 14 Sàn Forex Tốt Và Uy Tín Nhất Việt Nam, Thế Giới 2021 |
✅ 9 Kinh Nghiệm Đầu Tư Forex Từ Số 0 Giúp Nhiều Người Đổi Đời |
✅ Cách Tạo Lập Và Đăng Ký Tài Khoản Forex Chi Tiết Từ A-Z Cho Newbie |
✅ Tất Cả Mọi Thứ Về Trading Forex, Có Hợp Pháp, Có Nên Tìm Hiểu Hay Đầu Tư ? |
♻️ Ghi rõ nguồn Webtaichinh.vn trước khi share |
🛑 Lưu ý: TUYÊN BỐ MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM |
Charles Ponzi sinh tại Lugo (Ý) vào năm 1882. Thuở thiếu thời, Ponzi phải kiếm sống bằng nghề đưa thư và sau đó được học tại Đại học Rome ở La Sapienza. Trong 4 năm đại học, Ponzi liên tục la cà quán bar, cà phê và các nhà hát opera. Cuối cùng khi hết vốn, Ponzi buộc phải bỏ học và lên tàu S.S. Vancouver tới kiếm sống ở Boston, Massachusetts (Mỹ).
Con đường khởi nghiệp
Ponzi tới Mỹ khi chỉ có 2 đô và 50 xu.Do đó ông buộc phải học tiếng Anh và làm nhiều việc khác nhau để kiếm sống. Có lúc Ponzi phải làm nghề rửa bát cho một nhà hàng và nhờ tích cực lao động nên được thăng cấp lên vị trí bồi bàn. Tuy nhiên sau đó bị sa thải vì tội lừa gạt khách hàng và trộm cắp.
Ponzi tìm tới Montreal, Canada và trở thành người thu ngân trong chi nhánh mới của ngân hàng Banco Zarossi. Để thu hút khách hàng, ngân hàng đã trả khoản lợi tức lên tới 6% (gấp đôi các đối thủ) cho những ai gửi tiền. Ngân hàng Zarossi lên như diều gặp gió, nhưng Ponzi hiểu rõ rằng ngân hàng đang gặp rắc rối vì các khoản nợ xấu và quan trọng hơn là tiền thu được không được đầu tư vào sản xuất. Để duy trì hoạt động, Zarossi lấy tiền của nhà đầu tư sau để trả cho nhà đầu tư trước. Cuối cùng ngân hàng sụp đổ và Zarossi đã trốn sang Mexico.
Sau đó, Ponzi ở lại Montreal một thời gian và bị xử 3 năm tù ở Quebec vì tội làm giả chi phiếu. Mãn hạn tù, Ponzi về Mỹ, nhưng bị lừa tham gia một đường dây vận chuyển người Italy nhập cư trái phép. Ông bị bắt và tiếp tục ngồi tù thêm 2 năm nữa ở Atlanta. Ở đây, Ponzi chơi thân với một tù nhân có tên Ignazio Lupo và chứng kiến tên này được trả tự do sớm khi giả ốm thập tử nhất sinh bằng cách ăn xà phòng cạo râu. Ponzi lại có thêm bài học nữa về “sức mạnh” của những lời nói dối.
Lao vào kiếm tiền bất chấp
Sau khi ra tù, Ponzi trở về Boston và cưới một cô gái trẻ có tên Rose Gnecco. Tiếp tục lao vào kiếm tiền, ông đã thử làm nhiều công việc khác nhau, thậm chí lên ý tưởng lập một cuốn niên giám điện thoại và thu lời từ quảng cáo ở đó (đây là ý tưởng để người ta hình thành cuốn niên giám Yellow Pages). Tuy nhiên, khi ý tưởng của Ponzi chưa thành hiện thực thì công ty của ông ta phá sản.
Vài tuần sau, Ponzi nhận được lá thư từ một công ty ở Tây Ban Nha đề nghị trao đổi về ý tưởng kinh doanh của anh. Trong thư có một tấm phiếu IRC (phiếu thay cho con tem để gửi thư miễn phí toàn cầu). Đó là thứ mà Ponzi chưa từng tìm thấy. Khi tìm hiểu về nó, Ponzi biết được rằng nhiều nơi trên thế giới đã dùng IRC. IRC có giá trị ngang một con tem ở một nước trong khi giá tem mỗi nơi một khác. Ponzi phát hiện cơ hội làm giàu nến ông ta mua IRC ở nơi giá rẻ như quê nhà Italy và bán nó ở nơi giá cao như tại nước Mỹ. Tìm ra kẽ hở này, Ponzi lên kế hoạch làm giàu, gồm 4 bước cơ bản: gửi tiền ra nước ngoài, mua IRC; gửi IRC về Mỹ; đổi IRC ra tem và bán tem kiếm tiền. Ponzi nhẩm tính khoản lợi nhuận thu được, sau khi trừ chi phí, có thể vượt quá 400% và quan trọng hơn, việc này hoàn toàn hợp pháp.
Vạch xong kế hoạch, Ponzi bắt đầu tìm sự giúp đỡ tài chính. Ông kêu gọi bạn bè cho mượn tiền và hứa sẽ trả họ lãi suất lên tới 50% trong vòng 45 ngày. Cho tới tháng 2/1920, Ponzi đã có trong tay 5.000 USD, một khoản tiền khổng lồ khi đó. Đến tháng 3, ông đã có 30.000 USD. Nhiều nhà đầu tư tiếp tục động viên bạn bè, người thân tham gia và tới tháng 5, Ponzi đã có 420.000 USD. Phần lớn khi nhận được tiền lãi lại tái đầu tư cho Ponzi với hy vọng sẽ được hưởng lợi tức lên tới 100%. Vào tháng 7, Ponzi đã có gần 8 triệu USD.
Cuộc sống xa hoa và sa lưới pháp luật
Vấn đề là không có đủ lượng IRC cho Ponzi mua và dù cố gắng cũng chỉ gom được 27.000 IRC, trong khi phải mất tới 53.000 IRC, Ponzi mới có đủ tiền trả cho 18 nhà đầu tư đầu tiên.
Cho đến tháng 8, người ta phát hiện Ponzi đang trả lãi cho nhà đầu tư cũ bằng tiền của nhà đầu tư mới. Hành động này vốn được gọi là “cướp Peter trả cho Paul” và giờ đã có cái tên chính thức là “kiểu lừa Ponzi”
Năm 1920, Ponzi bị truy tố vì tội lừa đảo và phải thụ án một thời gian trong các nhà tù liên bang trước khi bị trục xuất về Italy vào năm 1934. Ông ta chết trong cảnh trắng tay tại Rio de Janeiro (Brazil) vào năm 1949 và được chôn trong một nghĩa trang của người nghèo.
Mô hình Ponzi
Mô hình Ponzi diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau như bán hàng đa cấp, bất động sản, đầu tư tài chính, forex, thậm chí là bán các khóa học trong lĩnh vực giáo dục…. Mặc dù nó đã ra đời và tồn tại hàng trăm năm nay, cũng được cảnh báo nhiều lần, nhưng luôn có nhiều người bị mắc bẫy.
Thực chất đó là hình thức vay tiền của người sau để trả cho người trước với lãi suất cao bất thường nhằm liên tục thu hút những người cho vay mới. Nó dựa trên hai chính sách trụ cột là trả lãi suất cao cho những khoản vay và trả hoa hồng cao cho những người giới thiệu. Những khoản thanh toán tiền lãi và hoa hồng ban đầu thường được thực hiện rất nghiêm túc và đúng hạn để tạo niềm tin. Nhờ đó mà hệ thống này ngày càng phát triển thêm nhiều cấp độ.
Bên cạnh đó, mô hình Ponzi tồn tại và phát triển được còn phải dựa vào tài Marketing để quảng bá và tạo dựng lòng tin của ban lãnh đạo.
Trên thực tế, mô hình lừa đảo Ponzi đã xuất hiện từ thế kỷ 18, nhưng vụ lừa đảo của Charles Ponzi là lớn nhất và gây chấn động nhất cho đến bây giờ nên nó được đặt cái tên là Mô hình Ponzi.
Những vụ lừa đảo Ponzi chấn động tại Việt Nam và thế giới
Dưới đây sẽ thống kê một số vụ lừa đảo dạng Ponzi nổi tiếng thế giới suốt hơn 100 năm qua.
Allen Stanford
Stanford từng là một trong những tỷ phú tài chính nổi tiếng của Mỹ với giá trị tài sản của Stanford lên tới 2,2 tỷ USD vào cuối những năm 80. Năm 2009, ông từng được Tạp chí Ford xếp hạng giàu thứ 605 thế giới. Làm từ thiện hào phóng, Stanford thậm chí còn được phong tước hiệp sỹ tại Antigua.
Ông bị bắt vào năm 2009 sau khi Ngân hàng Quốc tế Stanford International (SIB) thuộc quyền sở hữu của Stanford bị tố cáo là kinh doanh trá hình theo kiểu “mô hình Ponzi”- bằng cách dủng tiền gửi của người sau để trả lãi cho những người gửi trước, với lãi suất từ 11% đến 16%, cao gấp đôi so với lãi suất của các ngân hàng thương mại khác. SIB được cho là đã lừa được 35.000 khách hàng với tổng số vốn góp 3,8 tỷ USD và đến cuối năm 2007, con số đóng góp của các nhà đầu tư là 6,7 tỷ USD.
Tính đến thời điểm vụ lừa đảo này bị phát giác, công ty của Standford đã thu hút được hơn 50.000 khách hàng ở 131 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tập trung chủ yếu ở Mỹ, châu Mỹ Latinh và vùng biển Caribê.
William Miller (Anh)
Nhiều thập kỷ trước khi mô hình lừa đảo đa cấp được gán cho cái tên Ponzi, kiểu lừa đảo này đã được một thủ thư có tên William Miller ở Brooklyn khởi xướng. Nhiều người đã vét sạch những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình để góp vào công ty đầu tư mang tên Franklin Syndicate do Miller lập ra vào năm 1899, với hy vọng sẽ được trả lãi suất 10% mỗi tuần. Miller được đặt biệt danh “520%” – chỉ mức lãi suất cả năm mà ông ta hứa với các nhà đầu tư.
Siêu lừa này tuyên bố ông ta có một bí quyết để nắm bắt cách kinh doanh của các công ty ăn nên làm ra. Tuy nhiên, vụ việc rồi cũng đến lúc vỡ lở. Miller lừa của các nhà đầu tư 1 triệu USD, tương đương với 25 triệu USD ngày nay. Ông ta bị kết án 10 năm, nhưng chỉ phải ngồi 5 năm trong nhà đá. Sau khi được thả tự do, Miller đến Long Island kiếm sống bằng cách mở một cửa hiệu tạp hóa.
Tom Petters (Mỹ)
Vào năm 2010, một doanh nhân ở bang Minnesota, Mỹ, có tên Tom Petters bị kết án 50 năm tù giam sau khi vụ lừa đảo Ponzi 3,65 tỷ USD do ông ta “đạo diễn” bị lôi ra ánh sáng. Đây được xem là vụ Ponzi lớn thứ ba trong lịch sử sau vụ Bernie Madoff và vụ Alan Stanford.
Với tư cách là CEO kiêm Chủ tịch của công ty Petters Group Worldwide, Petters thuyết phục các nhà đầu tư góp tiến để mua hàng điện tử để bán lại cho các hãng bán lẻ lớn Costco và Sam’s Club. Nhưng trên thực tế, Petters dùng tiền này cho các hoạt động kinh doanh khác của ông ta và trả lãi cho các nhà đầu tư khác. Lĩnh án khi đã 52 tuổi, có lẽ Petters đến chết vẫn chưa ra khỏi nhà đá.
Norman Hsu (Mỹ)
Nguyên là một nhà huy động tài chính cho đảng Dân chủ của Mỹ, Norman Hsu bị cáo buộc vận hành một chương trình lừa đảo kiểu Ponzi với quy mô 60 triệu USD vào năm 2009. Với phương thức không mới, Hsu “thịt” các nhà đầu tư bằng cách mời chào họ góp vốn, hứa trả lãi cao, dùng tiền của nhà đầu tư trả cho người góp vốn trước.
Sau khi Hsu bị tố giác, tất cả những chính trị gia từng được ông ta huy động tài chính như Hillary Clinton, Eliot Spitzer, Andrew Cuomo, Barack Obama và Al Franken để chuyển số tiền đã nhận từ nhân vật này vào quỹ từ thiện. Mức án mà tòa dành cho Hsu là 24 năm “bóc lịch”.
Lou Pearlman (Mỹ)
Sau thất bại nghề nghiệp trong ngành hàng không, Lou Pearlman chuyển sang lĩnh vực giải trí và trở thành một ông trùm âm nhạc sừng sỏ, có công thành lập những ban nhạc nam lớn của thập niên 1990 như Backstreet Boys, NSYNC, O-Town… Tuy nhiên, Pearlman chỉ trở nên nổi tiếng như cồn sau khi chương trình lừa đảo Ponzi quy mô 300 triệu USD của ông ta bị phát giác vào năm 2006.
Để lừa các nhà đầu tư, Pearlman đã lập ra một công ty hàng không “ma”. Pearlman đã tìm cách bỏ trốn, nhưng bị bắt khi đang trên đường tẩu thoát sang Indonesia. Năm 2008, ông ta bị đem ra xét xử và kết án 25 năm tù giam.
Vụ lừa đảo Ponzi khổng lồ ở Albania
Vào năm 1997, một vụ Ponzi khổng lồ ở Albiania đổ bể, đẩy nước này rơi vào cảnh hỗn loạn tài chính, đồng thời châm ngòi cho một cuộc nổi dậy lớn, lật đổ chính phủ và khiến hơn 2.000 người dân thiệt mạng. Mấy năm trước đó, Albania bước vào thời kỳ quá độ sang cơ chế thị trường tự do sau nhiều năm nằm dưới sự thống trị của chế độ độc tài Enver Hoxha. Hệ thống tài chính còn sơ khai ở thời điểm quá độ của Albania nằm dưới sự thống trị của một loạt những kế hoạch Ponzi hứa trả nhà đầu tư mức lãi lớn.
Hơn 2/3 người dân Albania đã sập bẫy chiêu lừa này vì lóa mắt trước cơ hội giàu lên nhanh chóng. Thậm chí, Chính phủ Albania còn công khai phê chuẩn hoạt động của một số công ty lừa đảo này. Đến đầu năm 1997, người dân Albania bị mất tổng cộng hơn 1,2 tỷ USD. Mất tiền, người dân đổ ra đường để phản đối Chính phủ, cho rằng nhà chức trách hưởng lợi từ những kẻ lừa đảo. Về sau, Liên hiệp quốc phải can thiệp để lập lại trật tự ở nước này.
Gerald Payne (Mỹ)
Vụ lừa đảo Ponzi của Gerald Payne lấy mất của các nhà đầu tư gần 500 triệu USD, nhưng gây ấn tượng hơn cả là cách rút tiền của siêu lừa này. Vào giữa thập niên 1990, Payne dùng nhân danh nhà thờ để thuyết phục gần 18.000 người góp vốn cho ông ta, hứa sẽ trả lãi lớn thông qua việc đầu tư vào vàng, bạc và trái phiếu nước ngoài.
Trên thực tế, Payne đã dùng séc để rút tiền dưới mức giới hạn thông báo 10.000 USD nhằm không bị phát hiện. Tuy nhiên, do Payne rút tiền bằng séc rất nhiều lần nên đã bị Thuế vụ Mỹ chú ý. Khi ra tòa, Payne cho biết, số tiền đã bị dùng làm quà biếu chứ không phải được đầu tư. Payne lĩnh án 27 năm, còn vợ ông ta là Betty ngồi tù 12 năm rưỡi.
David Dominelli (Mỹ)
Năm 1979, Domilelli mở một công ty ở California, Mỹ và hứa trả cho những nhà đầu tư góp vốn sớm mức lãi 40-50%. Đây là một vụ lừa đảo Ponzi kinh điển, trong đó Dominellini dùng tiền của nhà đầu tư đến sau trả cho nhà đầu tư đến trước, huy động được tới 80 triệu USD. Đến năm 1983, gần 1.500 nhà đầu tư đã mắc bẫy của siêu lừa này, khiến ông ta dần dần không thể đáp ứng được khả năng rút vốn nữa. Vào năm 1985, Dominelli bị kết án 20 năm tù giam và được tha bổng sau khi thụ án 10 năm. Ông ta qua đời vào năm 2009 tạiChicago.
Bernie Madoff (Mỹ)
Bernard Lawrence Madoff (sinh ngày 29 tháng 4 năm 1938) là một doanh nhân người Mỹ. Madoff bắt đầu sự nghiệp tài chính ở tuổi 22 với 5.000 USD trong tay, khoản tiền ông tự kiếm được nhờ làm các công việc trong kỳ nghỉ hè, chẳng hạn như lắp đặt hệ thống tưới vườn ở New York. Đến năm 1960, Ông sáng lập hãng Bernard L. Madoff Investment Securities LLC ở phố Wall và là chủ tịch hãng này đến ngày 11 tháng 12 năm 2008. Ông nguyên là chủ tịch của sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ. Bernie Madoff được xem là biểu tượng của tội phạm tài chính hiện đại.
Năm 2008, ông bị cáo buộc vận hành một vụ lừa đảo Ponzi trị giá 50 tỷ USD, lớn nhất trong lịch sử. Với uy tín ở Phố Wall, các quỹ đầu tư của công ty Madoff hấp dẫn các nhà đầu tư bởi lời hứa lợi nhuận cao và chi phí thấp. Vì thế hàng chục ngàn nhà đầu tư (cá nhân và doanh nghiệp) đã đầu tư vào quỹ của Madoff thông qua các đối tác của công ty này và ký gửi cho ông ta hàng chục tỷ USD. Đồng thời các nhà đầu tư đó đã được Madoff trả lãi suất rất cao, luôn ở mức 2 con số (10,5% lãi mỗi năm) mà không hề biết rằng số tiền lãi đó chỉ đơn giản là lấy tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu trước theo như mô hình lừa đảo kiểu Ponzi.
Hàng loạt ngân hàng, tổ chức tài chính trên thế giới sau đó đã phải thừa nhận họ đã sập bẫy của Madoff. Danh sách những nạn nhân của Madoff ngày một dài hơn và trong đó có rất nhiều tên tuổi các ngân hàng hàng đầu trên thế giới như Santander của Tây Ban Nha, ngân hàng Anh HSBC, ngân hàng Hoàng gia Scotland, ngân hàng BNP của Pháp, ngân hàng Nomura (Nhật Bản)… Không chỉ có các thể chế tài chính mà những tổ chức nhân đạo cũng bị ảnh hưởng. Nhiều tổ chức nhân đạo đã phải đóng cửa và sa thải nhân viên sau khi bị mất toàn bộ tiền vào quỹ của Madoff.
“Nạn nhân” của Madoff bao gồm từ những nhân vật nổi tiếng như Elie Wiesel, người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1986, đạo diễn Steven Spielberg (Mỹ) đến các triệu phú, các công ty tư vấn đầu tư và quỹ phòng hộ (hedge)… Thậm chí siêu lừa Allen Stanford cũng trở thành 1 nạn nhân của Madoff với số tiền đầu tư lên đến 400.000 USD. Có thể nói cú lừa thế kỷ này của Madoff chẳng khác nào thảm hoạ sóng thần quét sạch các tổ chức tài chính trên thế giới và đây được coi là vụ “vỡ hụi” khủng khiếp nhất trong lịch sử thế giới với tổng thiệt hại lên đến 64.8 tỷ USD.
Kết thúc vụ án, Madoff phải ra vành móng ngựa vào tháng 12 năm 2008 chịu mức án phạt 150 năm tù. Tuy nhiên, mức phạt này chưa phải là kết cục làm hài lòng những “nạn nhân” của siêu lừa Bernard Madoff. Bởi với họ, những người đã mất toàn bộ tài sản, gia đình tan nát, thậm chí có người đã tự tử vì tay trắng thì quãng đời còn lại trong lao tù của Madoff vẫn là sự trừng phạt “nhẹ nhàng”.
Scott Rothstein (Mỹ)
Scott Rothstein, sinh ngày 10 tháng 6 năm 1962 là một luật sư người Mỹ, đồng thời là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc điều hành công ty luật Rothstein Rosenfeldt Adler. Năm 2005, Rothstein bỗng phất lên “như diều gặp gió” nhờ kinh doanh đa cấp và trở thành cái tên nổi tiếng không chỉ trong giới luật sư, mà còn trong giới tài chính Mỹ.
Ở 47 tuổi, Scott Rothstein đã trở thành triệu phú Mỹ và nắm trong tay khối tay sản lên đến hàng tỷ USD. Không những thế, Scott Rothstein còn có một cuộc sống vô cùng xa hoa với hàng hiệu, xe xịn và gái đẹp.
Cũng theo mô hình Ponzi, bắt đầu từ năm 2005, lợi dụng uy tín và sự thành công của công ty luật, Rothstein đã mời chào để bán cổ phần các khu đất giả mạo cho nhiều nhà đầu tư với lí lẽ rằng khách hàng sẽ được giảm giá lớn nếu tiền tới sớm và chồng cả cục.
Theo John Gillies, trợ lý đặc biệt phụ trách văn phòng Miami của FBI, Scott Rothstein dường như có một sức hút kỳ lạ từ một luật sư uy tín để tất cả các nhà đầu tư có thể tin rằng số tiền đầu tư của họ sẽ tạo ra được khoản lợi nhuận khổng lồ. Số lợi nhuận Rothstein thu về từ việc làm ăn phi pháp này lên tới 1,2 tỉ USD.
Cũng kể từ khi bắt đầu sự nghiệp bán hàng đa cấp, Rothstein cũng bắt đầu hình thành thói quen sưu tập xế khủng, đồng hồ hàng hiệu và mải mê lao vào những cuộc tình ngắn ngủi, bỏ bê vợ con, gia đình.
Sự việc được phanh phui vào đầu tháng 11 năm 2009, Scott Rothstein bị kêt tội lừa đảo và chiếm đoạt tài sản lên tớ 1,2 tỷ USD. Tất cả những tài sản giá trị của Rothstein được đem ra bán đấu giá để đền bù một phần cho người bị hại.
Với hành vi lừa đảo của mình, ngày 9 tháng 6 năm 2010, Scott Rothstein đã phải lãnh mức án 50 năm tù.
Ding Ning (Trung Quốc)
21 người tham gia vào hoạt động gây quỹ lừa đảo trực tuyến để trục lợi 50 tỉ nhân dân tệ (gần 7,6 tỉ USD) từ hơn 900.000 nhà đầu tư.
Đây được xem là vụ lừa đảo qua mạng lớn nhất từ trước đến giờ ở Trung Quốc tính về số tiền thiệt chiếm đoạt và số lượng nhà đầu tư tham gia.
Các nghi phạm làm việc cho Công ty Ezubao – hoạt động bằng phương pháp chia sẻ mạng ngang hàng (P2P). Thực chất đây là cách thức lừa đảo kiểu Ponzi (lừa đảo tín dụng đa cấp) vì 95% dự án tài chính mà họ đưa lên mạng internet để thu hút nguồn vốn đều không tồn tại.
Tổng cộng hơn 900.000 nhà đầu tư Trung Quốc đã sập bẫy và số tiền những kẻ lừa đảo bỏ túi tròm trèm 7,6 tỉ USD.
Một trong số các nghi phạm bị bắt là Ding Ning (34 tuổi). Tên này khởi xướng Ezubao – được xem là dự án kinh doanh tài chính trực tuyến lớn nhất Trung Quốc – từ tháng 7-2014 tại tỉnh An Huy và cũng là Chủ tịch điều hành Công ty Yucheng. Họ Ding cùng đồng bọn đưa ra lợi nhuận hàng năm ở mức dao động từ 9-14,6% để làm mờ mắt các nhà đầu tư.
Nhưng trên thực tế, hầu hết dự án liệt kê trên trang web của bọn chúng đều là dự án “ma” và những kẻ lừa đảo sử dụng nguồn vốn từ các nhà đầu tư mới để trả nợ cũ. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hồng Kông) cho biết Ding dùng tiền lừa đảo để phục vụ cuộc sống ăn chơi xa hoa của bản thân.
Vụ lừa đảo quy mô lớn nói trên đặt ra nguy cơ đối với ngành công nghiệp quản lý tài sản tăng trưởng nhanh của Trung Quốc. Nhiều sản phẩm được bán thông qua các kênh với quy định lỏng lẻo, như nền tảng đầu tư tài chính trực tuyến và sàn giao dịch được tư nhân điều hành.
Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở Trung Quốc ngày càng bị thu hút vào các dự án đầu tư trực tuyến để nhanh chóng trở nên giàu có. Ngành công nghiệp quản lý tài sản ở nước này trị giá ước tính 2,6 ngàn tỉ USD.
MB24 (Việt Nam)
Công ty cổ phần Đào tạo và Mua bán trực tuyến (MB24) thông qua trang web muaban24.vn thì một số trang web khác cũng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán các gian hàng ảo trên trang web muaban24.vn theo hình thức gần giống như dạng bán hàng đa cấp.
Các đối tượng cầm đầu đã chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của hàng trăm nghìn người tham gia.
Cơ quan công tố cáo buộc, với chiêu khi hội viên giới thiệu nhiều người tham gia sẽ được tích điểm, nâng lên cấp độ VIP, được làm phó giám đốc, MB24 khiến hàng trăm nghìn người tưởng các gian hàng ảo là thật nên đã nộp tiền và rủ bạn bè, người thân tham gia để kiếm hoa hồng và chia nhau lợi nhuận. Từ tháng 5/2011 đến tháng 7/2012, MB24 đã bán hơn 120.000 gian hàng ảo thu hơn 630 tỷ đồng.
Giám đốc MB24 Ngô Văn Văn Huy lĩnh án 16 năm tù.
CẢNH BÁO: Đầu tư vào các sản phẩm tài chính tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà có thể không phù hợp với một số nhà đầu tư. Do đó hãy cân nhắc kỹ lưỡng và làm chủ bản thân trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào cấu thành từ những nội dung tham khảo tại website này. Đồng thời bạn có thể THAM GIA NHÓM THẢO LUẬN của chúng tôi để thảo luận thêm về những gì bạn đang quan tâm.
Theo Crypto Viet