Cùng Webtaichinh dành 15 phút đọc bài Stable Coin là gì? Tại sao chúng lại dùng làm bình ổn giá. Kiến thức này thuộc phần Cryptocurrency vốn rất hot kể từ cuối 2020. Đa phần Webtaichinh lấy nguồn bài từ nước ngoài và một số nguồn uy tín trong nước khác.
Vui lòng đọc bài viết này trong phòng kín để đạt hiệu quả tốt nhất
Tránh xa tất cả các thiết bị gây xao nhoãng trong việc tập trung
Bạn nên bấm Crtrl + D để lưu bài này lại vì Webtaichinh thường xuyên cập nhật
Đồng tiền ổn định – Stable Coin, là một trong các chủ đề nóng của Cryptocurrency, là cơ sở cho niềm tin của các nhà đầu tư cũng như ứng dụng Cryptocurrency vào thực tế.
Stablecoin là gì?
Stablecoin là những đồng cryptocurrency được thiết kế để giảm thiểu sự biến động giá. Giá của stablecoin được gắn với một số tài sản hoặc rổ tài sản tương đối ổn định. Trên thực tế, giá stablecoin có thể được cố định vào giá của một đồng tiền pháp định cụ thể, hay một đồng tiền kỹ thuật số, hay một kim loại quý (trường hợp đặc biệt).
Ví dụ:
- USDT là đồng cryptocurrency được neo giá theo đô la Mỹ với tỷ lệ là 1:1
- PAX Gold là đồng cryptocurrency được neo giá theo 1 troy ounce (ozt) của thỏi vàng London Good Delivery 400 oz và được lưu trữ trong hầm của Brink.
Các stablecoin thường được thế chấp, nghĩa là tổng số stablecoin đang lưu hành sẽ có các tài sản đảm bảo tương ứng. Ví dụ, nếu có 500.000 stablecoin cố định vào USD đang lưu thông, thì cũng có ít nhất 500.000 USD dự trữ trong ngân hàng để đảm bảo.
Tầm quan trọng của Stablecoin
Đối với các nhà giao dịch tiền điện tử, stablecoin đóng vai trò quan trọng như một chiếc phao cứu sinh khi thị trường đang có những biến động lớn về giá cả.
Stablecoin được tạo ra để duy trì sự ổn định giống như cái tên của chúng, trong một thị trường crypto khá biến động. Trong khi Bitcoin, Ethereum hay các đồng altcoin khác có thể biến động về giá rất lớn chỉ trong một thời gian ngắn thì stablecoins duy trì giá trị tương đối ổn định (xung quanh mức 1 USD).
Nhờ đó mà stablecoin là cách nhanh nhất để các nhà giao dịch bảo vệ danh mục đầu tư tiền điện tử của họ mà không cần phải mất công quy đổi ra tiền mặt với các đồng tiền pháp định (FIAT).
Sử dụng stablecoin đặc biệt hiệu quả, nhất là trong thị trường gấu hoặc để giữ nguyên giá trị lợi nhuận tương đương với FIAT. Trên thực tế, tiền tệ được sử dụng hàng ngày của thế giới vẫn là FIAT chứ không phải Bitcoin.
Các loại StableCoin
Stablecoin có 3 loại chính như sau
Stablecoin dùng tiền pháp định làm thế chấp
Đây là loại stablecoin phổ biến nhất hiện nay và hầu hết được cố định vào USD. Tether (USDT), TrueUSD (TUSD), Paxos (PAX) và USD Coin (USDC) là những ví dụ điển hình và tỉ lệ trao đổi giữa chúng với USD là 1:1 (dù tỉ lệ này có đôi chút giao động nhưng không lớn).
Ưu điểm chính của loại này là sự ổn định của đồng tiền pháp định dùng làm thế chấp, cụ thể là USD. Nhưng nhược điểm là công ty phát hành loại stablecoin này chỉ có thể cho lưu thông số lượng coin tương ứng với số tiền đảm bảo mà họ có trong ngân hàng, do đó nguồn cung loại coin này bị giới hạn bởi số tiền đảm bảo của công ty phát hành. Một nhược điểm khác là vì vẫn phụ thuộc vào ngân hàng và tiền pháp định nên loại stablecoin này vẫn bị xem là loại tiền “tập trung”.
Stablecoin dùng tiền tiền mã hóa làm thế chấp
Loại stablecoin này nghe có vẻ trái ngược với mục đích ra đời là hạn chế biến động giá vì ai cũng biết tiền mã hóa có biên độ giao động giá lớn. Nên để giải quyết vấn đề này, các công ty phát hành thực hiện thế chấp quá giá trị, nghĩa là cứ $1 stablecoin được đảm bảo bởi $2 tiền mã hóa.
Các đồng như Dai (DAI), Maker (MKR), nUSD, Bitshares (BTS) và BitUSD nằm trong nhóm này. Ưu điểm của loại stablecoin này là vẫn giữ được tính phi tập trung của tiền mã hóa do không lệ thuộc vào tổ chức ngân hàng truyền thống. Nhược điểm là vẫn có biến động về giá nhiều hơn loại 1 và khó thiết kế.
Stablecoin dựa vào thuật toán không có thế chấp
Đây là những stablecoin tìm cách đạt được sự ổn định bằng cách sử dụng các mô hình kinh tế dựa trên phần mềm. Cụ thể hơn, loại stablecoin này tận dụng các thuật toán để xác định nên mở rộng hay thu hẹp nguồn cung tiền trước những phản ứng của thị trường, từ đó giữ giá ổn định trong một biên độ xác định trước.
Nhóm này có các đồng như Basis, Kowala, Carbon và Fragments. Ưu điểm của loại stablecoin này là tính phi tập trung. Nhưng nhược điểm là rủi ro biến động giá cao hơn và độ phức tạp trong thiết kế cao.
Ưu và nhược điểm của Stablecoin
Ưu điểm
Stablecoin mang lại nhiều lợi ích khác nhau bởi bản chất kỹ thuật số, có thể lập trình và hoạt động trên nền tảng blockchain. Ngoài việc giữ giá trị ổn định, Stablecoin có một số lợi thế khác bao gồm:
- Thanh toán không biên giới: Stablecoin có thể được gửi đi thông qua internet mà không phụ thuộc quốc gia, ngân hàng hay bất kỳ bên thứ 3 trung gian nào. Các đồng tiền điện tử ổn định cũng như các giao dịch của chúng không thể bị ngăn chặn hoặc kiểm duyệt vì được hoạt động trên blockchain.
- Phí thấp: Việc không phụ thuộc vào một bên trung gian và tính chất ngang hàng của stablecoin cũng làm cho các giao dịch có chi phí rẻ hơn rất nhiều so với các giao dịch truyền thống.
- Tốc độ giao dịch nhanh hơn: Các giao dịch trên Blockchain nhanh hơn rất nhiều so với các giao dịch truyền thống bởi không có trung gian và loại bỏ thời gian chờ đợi. Ngay sau khi giao dịch được bắt đầu, thường chỉ mất vài phút để tiền được gửi đến tài khoản của người nhận.
- Minh bạch: Các giao dịch Stablecoin được thực hiện trên các blockchain công khai. Người dùng có thể theo dõi bất kỳ giao dịch nào diễn ra mà không cần là người thực hiện giao dịch đó. Điều này là không thể với thanh toán truyền thống. Stablecoin đang cung cấp sự minh bạch rất cần thiết mà nhiều người đang tìm kiếm.
- Không có biến động về giá: Nhiều người xem stablecoin là lựa chọn tối ưu để gửi và nhận tiền vì họ không cần lo lắng về biến động giá. Rõ ràng, stablecoin an toàn hơn so với Bitcoin và các loại tiền điện tử khác bởi tính ổn định về giá của nó.
Nhược điểm
Trên thực tế ở thời điểm hiện tại, stablecoin cũng có những nhược điểm nhất định.
- Tập trung hóa: Phần lớn các stablecoin (trừ đồng DAI) đều bị chi phối bởi một tổ chức nắm quyền kiểm soát việc phát hành và cung cấp. Điều này giống với cách hoạt động của các ngân hàng hiện có và hoàn toàn đi ngược lại bản chất của tiền điện tử.
- Phụ thuộc vào thị trường tài chính truyền thống: Stablecoin thường được gắn với tiền tệ fiat, chính điều này làm cho giá trị của chúng phụ thuộc vào các loại tiền FIAT. Có nghĩa là stablecoin cũng phải chịu ảnh hưởng từ điều kiện hiện tại của nền kinh tế toàn cầu, lạm phát…
- Không được kiểm soát: Đây là vấn đề chung mà tất cả các đồng tiền điện tử hiện nay đang gặp phải mà stablecoin cũng không ngoại lệ. Vẫn còn một chặng đường dài để các đồng stablecoin phát triển để hoạt động như một phương tiện giao dịch chính thống.
Có nên đầu tư Stablecoin không?
Trên thực tế, có nhiều ý kiến tranh cãi trong cộng đồng về việc liệu stablecoin có phải là một khoản đầu tư hay không. Chúng ta hãy cùng xem xét vấn đề này nhé.
Nên đầu tư Stablecoin
- Stablecoin được thế chấp bởi tiền pháp định là một lựa chọn tốt cho các nhà đầu tư. Chúng có thể được chuyển đổi qua lại với Bitcoin và Altcoin một cách nhanh chóng và dễ dàng, bất cứ khi nào bạn muốn trao đổi.
- Stablecoin có độ rủi ro thấp, do đó chúng có thể được xem như một lựa chọn xứng đáng để đa dạng danh mục đầu tư.
Không nên đầu tư Stablecoin
- Một số stablecoin có thể tăng giá trị và cũng có thể giảm giá, trường hợp này chính là các stablecoin được hỗ trợ bởi tiền điện tử.
- Giá trị của Stablecoin khó có thể tăng đáng kể theo thời gian và không phải là lựa chọn của hầu hết các nhà đầu tư.
- Stablecoin được hỗ trợ bởi tiền pháp định có rủi ro khi xảy ra lạm phát. Khi các ngân hàng trung ương in nhiều tiền hơn sẽ kéo theo giảm giá trị của stablecoin.
Lời kết
Stablecoin có nhiều ưu điểm nhưng cũng có mặt hạn chế. “Không bỏ tất cả trứng vào một rổ”, NĐT không nên quá tập trung vào stablecoin hay bất cứ một đồng tiền cụ thể nào đó. Hãy sử dụng nó như một loại tiền phòng thủ trong danh mục đầu tư. Và hơn hết, nên tìm hiểu kỹ loại nào phù hợp trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
CẢNH BÁO: Đầu tư vào các sản phẩm tài chính tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà có thể không phù hợp với một số nhà đầu tư. Do đó hãy cân nhắc kỹ lưỡng và làm chủ bản thân trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào cấu thành từ những nội dung tham khảo tại website này. Đồng thời bạn có thể THAM GIA NHÓM THẢO LUẬN của chúng tôi để thảo luận thêm về những gì bạn đang quan tâm.
Theo Crypto Viet
Leave a Reply